Dù còn rất trẻ, song Phạm Thị Thanh Mai đã có 4 năm kinh nghiệm điều hành Công ty cổ phần chữ ký số Việt CA – một trong những công ty hàng đầu cung cấp dịch vụ chữ ký số tại Đồng Nai – lĩnh vực hiện vẫn được coi là rất mới mẻ với nhiều người dân và doanh nghiệp.
Ít ai có thể đoán được rằng, cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn, nụ cười hiền lành và vẻ bề ngoài hơi nhút nhát, sinh năm 1989 Phạm Thị Thanh Mai lại đã có 4 năm “ngồi” trên cương vị giám đốc của một công ty cổ phần chữ ký số – lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. Thanh Mai tâm sự, cơ duyên đến với nghề này cũng thật tình cờ. Trong một tiết học tại trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nơi Thanh Mai theo học, cô và các bạn được thầy giáo giới thiệu về chữ ký số, đồng thời phân tích những tính năng ưu Việt của nó trong các giao dịch điện tử. Khái niệm chữ ký số khiến Thanh Mai rất tò mò. Qua tìm hiểu, cô được biết, chữ ký số có thể hiểu như con dấu điện tử của người phát hành văn bản, tài liệu trong giao dịch điện tử. Chữ ký số được sử dụng để thay thế chữ ký tay trong môi trường số, có thể dùng trong các giao dịch: thư điện tử, mua bán hàng trực tuyến, ký hợp đồng với đối tác qua mạng…
“Khi đó, tôi đặc biệt chú ý đến việc các doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử hoặc khai báo với cơ quan hải quan và tiến hành thông quan trực tuyến mà không cần phải in ấn tờ khai, rồi đến làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế, hải quan. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp về chi phí và thời gian”, Thanh Mai chia sẻ.
Năm 2012, sau khi ra trường, tìm hiểu các thông tin qua nhiều kênh, Thanh Mai được biết, lúc này tại quê nhà Đồng Nai, Cục Hải quan và Cục Thuế đang bắt đầu áp dụng chữ ký số vào tờ khai hải quan, khai thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong khi Đồng Nai là tỉnh có tới hàng chục ngàn doanh nghiệp, là thị trường rất tiềm năng cho mặt hàng chữ ký số. Điều đó lại càng thôi thúc cô gái trẻ quyết tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh trên lĩnh vực còn hết sức mới mẻ này.
“Kinh doanh thiết bị chữ ký số rất thuận lợi cho một sinh viên mới ra trường như tôi lúc bấy giờ, bởi chỉ cần có số vốn ban đầu rất thấp, từ 10-20 triệu đồng là đã có thể bắt tay vào kinh doanh được. Việc đặt mua thiết bị chữ ký số của các nhà cung cấp cũng rất đơn giản, gọn lẹ. Vấn đề cần quan tâm là phải tìm hiểu chữ ký số của nhà cung cấp nào tốt nhất để có thể tiếp thị với khách hàng của mình”, Thanh Mai tâm sự.
Với việc đảm bảo mức giá tốt nhất, được giao hàng ngay sau khi đặt, hoàn tất các thủ tục đăng ký chữ ký số và kích hoạt sử dụng ngay lập tức cũng như sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp 24/24 giờ; chữ ký số của Công ty Việt CA do Thanh Mai làm giám đốc nhanh chóng được các doanh nghiệp trên địa bàn tin dùng. Hiện Việt CA đang là đại lý cấp 1 cho 5 đơn vị cung cấp chữ ký số, bao gồm: Vina-CA, CKCA, Viettel, Bkav, VNPT. Đến nay, đã có hàng ngàn doanh nghiệp tại các khu vực: Thành phố Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch sử dụng chữ ký số của Việt CA. Mỗi tháng, công ty cung cấp thiết bị chữ ký số cho khoảng hơn 100 khách hàng doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch điện tử về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội. Thanh Mai cũng cho biết, thủ tục để cấp 1 thiết bị chữ ký số cũng rất đơn giản, khách hàng chỉ cần phô tô công chứng giấy phép đăng ký kinh doanh của công ty và giấy chứng minh thư nhân dân của giám đốc doanh nghiệp để ký hợp đồng mua bán và sau 15 phút là đã có thiết bị giao tận nơi, đồng thời được cài đặt, hướng dẫn sử dụng miễn phí.
“Với việc áp dụng chữ ký số, doanh nghiệp có thể giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần qua mạng Internet. Dữ liệu của doanh nghiệp được gửi tới cơ quan quản lý một cách nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đồng thời, tiết kiệm thời gian của doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch qua mạng; giảm chi phí lưu trữ hồ sơ thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội liên quan tới doanh nghiệp…”, Thanh Mai chia sẻ.
Mở rộng thị trường
Theo giám đốc Phạm Thị Thanh Mai, hiện tại, các cơ quan Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội đều đã giới hạn thời gian bắt buộc sử dụng chữ ký số đối với tất cả các doanh nghiệp có sử dụng các giao dịch với những đơn vị này. Do đó, thiết bị chữ ký số trở thành mặt hàng không thể thiếu. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt CA mở rộng thị trường.
“Hiện chữ ký số của Việt CA mới chỉ “phủ sóng” ở Thành phố Biên Hòa và các huyện lân cận. Trong thời gian tới, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh về khắp các huyện, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch điện tử”, Thanh Mai cho biết.
Cũng theo Thanh Mai, hiện nay, có nhiều ứng dụng chữ ký số phù hợp cho các doanh nghiệp, điển hình là việc mã hóa bảo vệ các thông tin số của doanh nghiệp, dùng chữ số xác thực các e-mail trao đổi thông tin, kiểm soát truy cập vào các sàn giao dịch thương mại điện tử và các thông tin đặt hàng, ngân hàng điện tử, mua sắm công… Chữ ký số không chỉ được thực hiện cho các giao dịch điện tử trên Internet mà còn qua hệ thống mạng viễn thông di động. Trong khi đó, việc ứng dụng chữ ký số đơn giản, thuận tiện và nhiều phần mềm phổ thông hiện nay đã hỗ trợ chữ ký số.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các nhà cung cấp tốt nhất nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việt CA phấn đấu mỗi tháng sẽ cung cấp thiết bị chữ ký số cho từ 300-500 khách hàng doanh nghiệp/tháng”, Thanh Mai chia sẻ. Cô cũng cho biết, không chỉ hỗ trợ khách hàng trong cài đặt và sử dụng chữ ký số, Việt CA còn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng trên các lĩnh vực thuế, kế toán… để tạo sự gắn kết lâu dài.
Box: Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Theo đó, người sử dụng cần có một cặp khóa bao gồm khóa bí mật và công khai. Khóa bí mật có được khi một người đăng ký sử dụng dịch vụ và được lưu trữ trong một thiết bị an toàn là Token hoặc SmartCard. Thiết bị này có cấu trúc tinh vi, gồm có đầy đủ bộ nhớ Ram, CPU… bảo đảm lưu trữ an toàn cho khóa bí mật, không ai có thể sao chép hay nhân bản được và virus cũng không thể phá hỏng được. Người chủ chữ ký sử dụng khoá bí mật để tạo chữ ký số. Còn người nhận dùng mã công khai giải mã chữ ký số để nhận biết được người gửi là ai. Toàn bộ quy trình ký và giải mã chữ ký số đều được thực hiện thông qua phần mềm. Điểm quan trọng là các cặp khóa trên do những nhà cung cấp dịch vụ đăng ký chữ ký điện tử cấp sau khi đã kiểm tra, xác minh chủ của nó (cá nhân, tổ chức) là có thực. Nhà cung cấp dịch vụ cũng đồng thời giao cho tổ chức hoặc cá nhân đó một chứng thư số – gần giống với chứng minh nhân dân hay giấy xác nhận sự tồn tại của cơ quan, tổ chức đó trên mạng. Chứng thư này có chứa mã khóa công khai của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó và được duy trì trên cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp chữ ký số, do vậy người nhận có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu đó để xác minh xem đúng là có người đó hay không.
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử dựa trên công nghệ mã hóa công khai. Theo đó, người sử dụng cần có một cặp khóa bao gồm khóa bí mật và công khai. Khóa bí mật có được khi một người đăng ký sử dụng dịch vụ và được lưu trữ trong một thiết bị an toàn là Token hoặc Smartcard. Thiết bị này có cấu trúc tinh vi bảo đảm lưu trữ an toàn cho khóa bí mật, không ai có thể sao chép hay nhân bản được và virus cũng không thể phá hỏng được. Người chủ chữ ký sử dụng khoá bí mật để tạo chữ ký số. Còn người nhận dùng mã công khai giải mã chữ ký số để nhận biết được người gửi là ai. Toàn bộ quy trình ký và giải mã chữ ký số đều được thực hiện thông qua phần mềm. Điểm quan trọng là các cặp khóa trên do những nhà cung cấp dịch vụ đăng ký chữ ký điện tử cấp sau khi đã kiểm tra, xác minh chủ của nó (cá nhân, tổ chức) là có thực. Nhà cung cấp dịch vụ cũng đồng thời giao cho tổ chức hoặc cá nhân đó một chứng thư số gần giống với chứng minh nhân dân hay giấy xác nhận sự tồn tại của cơ quan, tổ chức đó trên mạng. Chứng thư này có chứa mã khóa công khai của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó và được duy trì trên cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp chữ ký số, do vậy người nhận có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu đó để xác minh xem đúng là có người đó hay không. |